top of page

Làm Sao Để Biết Khi Nào Bạn Nên Dừng Công Việc Chăm Sóc? Những Dấu Hiệu Nên Chú Ý

Làm Sao Để Biết Khi Nào Bạn Nên Dừng Công Việc Chăm Sóc?

Gần 30% dân số Hoa Kỳ thường chăm sóc miễn phí cho người thân của mình như cha mẹ, ông bà và vợ hoặc chồng theo cách này hay cách khác. (Nguồn) Là một người chăm sóc gia đình, ở nhiều phương diện khác nhau, bạn phải gánh vác, và chịu trách nhiệm về cuộc sống của một người khác trên vai mình. Đó là một gánh nặng lớn, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi nó ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần cũng như sức khoẻ thể chất của bạn.


Người chăm sóc gia đình trung bình chăm sóc cho người thân của mình 24 giờ một tuần trong suốt nhiều năm. Nhiều người trong số đó chăm sóc người thân 24/7 mà không có hoặc có rất ít sự hỗ trợ (Nguồn). Điều này có thể dẫn đến sự mệt mỏi và tình trạng quá sức sẽ thấm dần theo thời gian, và thậm chí khó có thể nhận ra. Vậy làm thế nào để biết khi nào bạn nên dừng công việc chăm sóc lại?

 

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ nêu ra những dấu hiệu cần chú ý, cho thấy có lẽ đã đến lúc bạn nên dừng công việc đó – làm sao để biết rằng bạn không thể tiếp tục được nữa. Hãy cùng tìm hiểu nhé.


Khi Nào Cần Bắt Đầu Thiết Lập Giới Hạn

Nếu việc chăm sóc xuất phát từ thương tích, bệnh tật hay được chẩn đoán một cách đột ngột, bạn có thể trở thành người chăm sóc để đáp ứng nhu cầu tạm thời – bạn làm mọi việc để đảm bảo người thân của bạn được an toàn và thoải mái. Nhưng khi những nhu cầu cấp bách đó qua đi, đó là thời điểm phù hợp để suy ngẫm về việc này. Quan trọng là bạn sử dụng cơ hội này để suy ngẫm về giới hạn và ranh giới của bạn.

 

Nếu công việc chăm sóc là một quá trình tiến triển chậm rãi, càng ngày bạn càng cần phải làm nhiều việc hơn cho người thân của mình, có thể khi tình trạng của họ trở nên tồi tệ hơn hoặc tuổi tác đã cao, thì dấu hiệu mệt mỏi, kiệt sức đầu tiên là lúc để đánh giá khối lượng công việc của bạn.


Dấu Hiệu Đã Đến Lúc Nên Dừng Việc Chăm Sóc

Cảm giác “mệt mỏi, kiệt sức” nêu trên có thể ở nhiều dạng khác nhau, như:


  • Tức giận

  • Dễ cáu kỉnh, bực bội sau một điều nhỏ nhặt

  • Xa lánh người thân

  • Mệt mỏi về thể chất

  • Bồn chồn, bất an

  • Sức khỏe ngày càng xấu đi

  • Tuyệt vọng (cảm giác như không bao giờ có hồi kết)

  • Oán giận

Ngoài ra, có những câu hỏi thực tế hơn mà bạn có thể đặt cho bản thân mình, để biết khi nào nên dừng việc chăm sóc, bao gồm:


Cảm giác bị mắc kẹt

Nếu bạn cảm thấy như mình đang bị mắc kẹt trong tình huống không có lối thoát (nói cách khác, bạn cảm thấy bị níu giữ hoặc bị ràng buộc bởi việc chăm sóc), có thể bạn sẽ cảm thấy muốn than phiền về người thân của mình, về những trách nhiệm của bạn và về việc thiếu thời gian tự do cho ai đó. Các mối quan hệ thường bị ảnh hưởng bởi việc chăm sóc, và khi điều này xảy ra, việc tìm kiếm sự hỗ trợ và người để chia sẻ trở nên khó khăn hơn, bởi vì họ có thể không biết phải làm gì hoặc nói gì, và bạn có thể cảm thấy như đang làm phiên hoặc tạo không khí nặng nề khi chia sẻ. Điều này có thể là một dấu hiệu quan trọng cho thấy bạn có thể cần dừng công việc chăm sóc lại.


Cảm giác cuộc sống của bạn chỉ xoay quanh công việc chăm sóc

Có thể bạn cảm thấy như toàn bộ cuộc sống của bạn bây giờ chỉ xoay quanh công việc chăm sóc - thực hiện các nhiệm vụ có thể bạn không thích để giúp người thân, khiến bạn không còn thời gian cho những điều bạn thích. Bạn xứng đáng có những niềm vui và cuộc sống ngoài việc chăm sóc. Nếu bạn cảm thấy như đang mất dần liên kết với bản thân và bản ngã của mình, đang phải từ bỏ sở thích và mối quan hệ quan trọng đối với bạn, hoặc sợ hãi trước khi bắt đầu một ngày mới, thì có lẽ đã đến lúc bạn nên dừng lại công việc chăm sóc.


Cảm giác như không có cách nào thay đổi tình hình

Có thể bạn cảm thấy không yên tâm khi để cho ai khác làm những gì bạn đang làm cho người thân của mình, hoặc người thân của bạn không chấp nhận ai đó thay thế vị trí của bạn. Nhưng bạn thực sự có lựa chọn của riêng mình. Có những người có thể giúp bạn với những nhiệm vụ này tạm thời hoặc thậm chí là dài hạn.


Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào trên đây, bây giờ là thời điểm để xem xét một đợt nghỉ ngơi hoặc dừng hẳn công việc chăm sóc.


Các bước cần làm: Làm thế nào để ngừng công việc chăm sóc

Nếu trong thâm tâm bạn cảm thấy đã đến lúc phải ngừng công việc chăm sóc, hãy nhớ rằng làm như vậy cũng không sao cả. Ở thời điểm này, bạn có thể không phải là người phù hợp nhất để chăm sóc người thân của mình, và điều đó là hoàn toàn bình thường. Vì sức khỏe của bạn và của cả người thân của bạn, đó là một nhận thức mạnh mẽ và đầy lòng trắc ẩn.


Vậy nếu bạn đã quyết định dừng lại, bạn nên tiếp cận việc đó như thế nào? Hãy cùng thảo luận về vấn đề này.


Bước 1: Thừa nhận với chính mình

Bước đầu tiên là bước mà chúng ta đã đề cập thông qua bài viết này. Quan trọng là bạn nhận ra rằng, có thể bạn cần sự giúp đỡ hoặc là đã đến lúc bạn cần dừng lại công việc chăm sóc hoàn toàn. Ban đầu có thể khó nhận ra, nhưng khi bạn đã nhận thức được, bạn cần phải thành thật với chính mình.


Bước 2: Nhận ra rằng bạn có thể là một người chăm sóc tốt mà không cần phải là người chăm sóc chính

Không có gì sai khi giao nhiệm vụ cho người được trang bị tốt hơn cả về kinh nghiệm và kiến thức để xử lý chúng. Điều quan trọng nhất là nhu cầu người thân của bạn được đáp ứng, chứ không nhất thiết phải là bạn thực hiện nhiệm vụ đó mới được.


Bước 3: Trao đổi với người thân của bạn

Bước đầu tiên là cho người thân của bạn biết bạn đang cảm thấy thế nào một cách chân thành và cẩn thận. Bạn có thể nói với họ rằng bạn cần đặt ra giới hạn mà không khiến họ cảm thấy tội lỗi về những gì bạn đã làm cho đến nay. Hãy lưu tâm khi thực hiện những cuộc trò chuyện này và hiểu rằng nếu người thân của bạn bị suy giảm nhận thức thì những cuộc trò chuyện này có thể không thực hiện được.


Bạn có thể sử dụng mẫu sau để áp dụng trong cuộc trò chuyện này:


"Tôi (hoặc đại từ nhân xưng phù hợp) không còn có thể xử lý 'X' vì 'Y'. Tôi hiểu rằng việc này sẽ tạo ra một chút thay đổi đối với bạn. Tôi nghĩ chúng ta nên để 'Z' thực hiện việc đó thì sẽ phù hợp hơn."


Với câu nói này, bạn đã nêu rõ rằng bạn đã đặt ra một giới hạn, hiểu rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến người thân của bạn và đã đề xuất một phương án thay thế. Như vậy sẽ không làm cho họ cảm thấy tội lỗi.


Lưu ý: Để sử dụng mẫu này một cách hiệu quả, đảm bảo rằng 'Y' có căn cứ vào một điều gì đó mang tính khách quan thay vì cảm xúc, như "Tôi không còn có thể nghỉ làm việc nữa", "Tôi lo lắng cho an toàn của bạn (và/hoặc của tôi)", hoặc "Tôi tin rằng có một giải pháp tốt hơn", thay vì một điều gì đó mang tính cảm xúc như, "Tôi mệt mỏi và không thể chịu đựng được nữa."


Bước 4: Đảm bảo giải pháp

Bây giờ là lúc để xác nhận rằng giải pháp được chọn đáp ứng tốt nhu cầu của người thân như bạn đã nghĩ. Hãy kiểm tra và duy trì một kênh thông tin mở với người thân cũng như với bất kỳ người chăm sóc chuyên nghiệp, người chăm sóc thay thế, người cung cấp dịch vụ chăm sóc người lớn, nhân viên y tế hoặc các thành viên trong gia đình.


Kết luận

Điều quan trọng là bạn phải nhận ra giới hạn của mình khi là người chăm sóc gia đình. Điều này nhằm bảo vệ sức khỏe của bạn và cả của người thân.

 

Trung tâm Nguồn lực Người chăm sóc California của Quận Cam luôn sẵn sàng hỗ trợ và hướng dẫn giúp bạn thực hiện điều đó. Hãy tham khảo thư viện tài nguyên của chúng tôi để giúp bạn hoàn thành công việc này. Cùng nhau, chúng ta có thể làm chủ bối cảnh chăm sóc sức khỏe và giúp bạn cung cấp dịch vụ chăm sóc tốt nhất cho người thân trong gia đình của mình.


Đọc thêm: Điều hướng cảm xúc tức giận, bức xúc khi là người chăm sóc

Cảm xúc bực tức của người chăm sóc là một thách thức tâm lý phổ biến mà người chăm sóc gia đình thường phải đối mặt, thường xuyên hơn là họ có thể thừa nhận (vì vậy bạn không đơn độc trong việc này dù có vẻ như thế). Cảm xúc tức giận của bạn là hoàn toàn tự nhiên, nhưng không nhất thiết phải xuất hiện trong quá trình chăm sóc của mình. Cuối cùng, việc tìm thấy sự cân bằng và sự hỗ trợ là chìa khóa để có một hành trình chăm sóc bền vững và trọn vẹn. Vì vậy, hãy cùng thảo luận về chủ đề này: hãy bắt đầu ở đây.


Tiêu điểm podcast: Pamela D. Wilson Podcast

Hãy xem tập podcast của Pamela D. Wilson để biết thêm thông tin về việc xác định điểm giới hạn của bạn khi là người chăm sóc gia đình. Cô ấy dành thời gian để trả lời các tình huống và câu hỏi, điều đó sẽ rất hữu ích cho bất kỳ ai đang cân nhắc việc dừng lại công việc chăm sóc. Hãy tìm hiểu thêm tại đây.

bottom of page