top of page

Cảm giác tội lỗi của người chăm sóc - Cân bằng kỳ vọng của gia đình về việc chăm sóc và yêu cầu giúp đỡ

Khi người thân của chúng ta già đi hoặc mắc phải một căn bệnh không thấy có sự thuyên giảm theo thời gian, điều này khiến bạn ngày càng cảm thấy căng thẳng, và trách nhiệm chăm sóc người thân ngày càng tăng. Sẽ có những yêu cầu có thể vượt ra ngoài khả năng của bạn, nhưng bạn vẫn phải cố gắng giải quyết và đáp ứng các yêu cầu đó.


Giả sử, nếu bạn là con cả, anh chị em không có con hoặc là người thân gần gũi nhất, bạn có thể cảm thấy như phần lớn trách nhiệm chăm sóc sẽ dồn vào bạn. Thường với mong muốn rằng bạn sẽ nhận trách nhiệm đó và không một lời phàn nàn. Hoàn cảnh gia đình như trong trường hợp này có thể tạo ra cảm giác tội lỗi cho người chăm sóc, dẫn đến khó cân bằng giữa những gì bạn nghĩ mình cần phải làm và những gì được mong đợi ở bạn.


Nhưng khi nào có thể nói không? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ nêu ra những động lực và kỳ vọng của gia đình khi ở trong trường hợp liên quan đến việc chăm sóc, và giúp bạn biết được khi nào là thời điểm thích hợp để yêu cầu sự giúp đỡ. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.


Cảm giác tội lỗi của người chăm sóc là gì?

Cảm giác tội lỗi của người chăm sóc đúng như nghĩa đen của nó - cảm giác tội lỗi được kích hoạt hoặc tạo ra từ trải nghiệm chăm sóc. (Nguồn) Đó thường là sự tích lũy theo thời gian của những thứ như:

  • Áp lực từ việc chăm sóc

  • Các thành viên khác trong gia đình đặt kỳ vọng quá nhiều vào bạn

  • Sự oán giận vì những gánh nặng khác (ví dụ như gánh nặng về thời gian hay tiền bạc)

  • Hoặc quá tải với gánh nặng trách nhiệm của bạn từ trong và ngoài việc chăm sóc.

Thật không may, cảm giác tội lỗi lại là một cảm giác chung của những người chăm sóc. Nó có thể làm bạn cảm thấy nặng nề nếu bạn không giải quyết nó. Nó cũng có thể biểu hiện theo nhiều hình thức khác nhau, bao gồm cả việc bạn nghĩ rằng mình làm chưa đủ tốt hoặc còn thiếu sót gì đó.


Nhưng điều quan trọng bạn cần biết rằng, những cảm giác này là hoàn toàn tự nhiên và không phải chỉ mình bạn cảm thấy như vậy. Dưới đây là một số hình thức mà cảm giác tội lỗi có thể biểu hiện ở người chăm sóc và cách đối phó với nó:


Các loại cảm giác tội lỗi của người chăm sóc

Như chúng ta đã đề cập ở trên, cảm giác tội lỗi ở người chăm sóc có thể xuất phát và biểu hiện theo nhiều cách khác nhau. Dưới đây là một số hình thức biểu hiện của chúng:


Cảm giác tội lỗi vì cảm thấy làm chưa đủ tốt.

Có thể khi bạn nhìn vào tất cả các nhiệm vụ mà bạn đảm nhận và so sánh chúng với những yêu cầu mà người thân của bạn cần giúp đỡ. Đôi khi, bạn có thể cảm nhận (hoặc thậm chí nói ra bằng lời) rằng có một thiếu sót gì đó. Điều này có thể gây ra cảm giác lo lắng rằng bạn chưa làm đủ tốt cho người thân của mình.


Chăm sóc người thân là một công việc vất vả, và hoàn toàn bình thường khi bạn cảm thấy tức giận, quá tải, mệt mỏi hoặc mất bình tĩnh. Bạn cũng không cần phải giằn vặt bản thân vì không làm tốt tất cả mọi việc như mong muốn. Đó là một phần tự nhiên của con người, đó không phải là sự thiếu sót như bạn nghĩ.


Cảm giác tội lỗi về việc cân bằng trách nhiệm.

Việc phải đồng thời lo công việc chăm sóc cùng với các nhiệm vụ khác, như công việc riêng của bạn và gia đình, có thể khiến bạn cảm thấy bị giằng xé hoặc bị cuốn theo những chiều hướng khác nhau. Khi trong hoàn cảnh như vậy, điều tự nhiên là bạn cảm thấy tội lỗi vì đã không hiện diện và hoàn thành trọn vẹn tất cả các nhiệm vụ trong mọi khía cạnh của cuộc sống, nhưng hãy cố gắng đừng để cho bản thân bạn rơi vào tình trạng đó, hãy đối xử tốt với bản thân.


Bạn đang làm tốt nhất có thể rồi đấy.


Cảm giác tội lỗi của người sống sót.

Giả sử, nếu bạn đang chăm sóc một người mắc bệnh nan y, bạn có thể cảm thấy tội lỗi khi mình là người sống sót, còn người thân thì không. Đây là cảm giác tội lỗi vì mình vẫn khỏe mạnh trong khi người thân của mình lại phải chịu sự đau khổ. Nếu bạn cảm thấy như vậy, điều quan trọng là bạn phải thường xuyên nhắc nhở bản thân rằng, bạn không phải chịu trách nhiệm về căn bệnh của họ. Tình yêu và sự quan tâm của bạn dành cho họ là tất cả những gì bạn có thể làm, và như vậy là quá đủ đối với người thân của bạn rồi.


Cảm giác tội lỗi khi yêu cầu giúp đỡ.

Có thể bạn đã biết điều này nhưng đôi khi việc nhận được lời nhắc nhở là rất quan trọng.


Bạn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người khác, đó có thể là những người chăm sóc chuyên nghiệp hay là bạn bè và gia đình. Bạn có thể cảm thấy tội lỗi khi cần đến sự giúp đỡ, nhưng chúng ta không ai có thể làm mọi việc một mình. Yêu cầu giúp đỡ là một điều tốt, là một thế mạnh cần phát huy. Có sự khiêm tốn và dám mạnh mẽ nhìn nhận rằng, bạn không thể làm tất cả mọi thứ một mình.


Cảm giác tội lỗi vì chăm sóc cho bản thân.

Thật ra, bạn có thể ưu tiên cho sức khỏe của bản thân, ngay cả khi điều đó khiến bạn phải tạm dừng công việc chăm sóc. Bạn có thể cảm thấy tội lỗi vì đã dành thời gian cho bản thân, trong khi người thân của bạn có rất nhiều nhu cầu cần bạn giúp đỡ.


Nhưng chăm sóc bản thân không phải là ích kỷ. Điều đó là cần thiết cho sức khỏe của bạn, và giúp bạn có thể phục vụ người thân trong thời gian dài tốt hơn.


Cảm giác tội lỗi khi đưa ra những quyết định khó khăn.

Đôi khi, người thân của bạn có thể cần được quan tâm và chăm sóc nhiều hơn mức bạn có thể chăm sóc ở nhà. Việc cảm thấy tội lỗi về điều gì đó như chuyển họ đến các cơ sở cộng đồng hoặc các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, trong hoàn cảnh như vậy thì những quyết định đó là điều hết sức bình thường. Nhưng đối với rất nhiều gia đình, đó là điều tốt nhất, và thuận tiện nhất cho người thân của bạn.


Cách cân bằng kỳ vọng của gia đình và yêu cầu trợ giúp

Dưới đây là một số bước bạn có thể thực hiện để giúp bạn vượt qua những thách thức trong việc chăm sóc đồng thời quản lý những kỳ vọng với gia đình mình:


1. Lập danh sách các nhiệm vụ chăm sóc và trách nhiệm cá nhân của bạn.

Khi bạn có một danh sách đầy đủ, hãy xếp hạng các nhiệm vụ theo mức độ quan trọng. Điều này sẽ giúp bạn ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng nhất, và chỉ ra cho bạn các nhiệm vụ có thể dễ dàng bỏ qua hoặc ủy thác cho người khác để giảm bớt gánh nặng.

 

Lưu ý: Nhu cầu chăm sóc có xu hướng thay đổi theo thời gian và bạn có thể cần phải điều chỉnh danh sách các nhiệm vụ để đáp ứng nhu cầu chăm sóc.


2. Ưu tiên mối quan hệ của bạn với người thân.

Cung cấp sự chăm sóc có xu hướng thay đổi sự cân bằng và dòng chảy của mối quan hệ. Cho dù bạn là một người con hiện đang chăm sóc cha mẹ hay vợ chăm sóc cho chồng và ngược lại, thì động lực nền tảng trong mối quan hệ của bạn có thể đã thay đổi. Vì vậy, hãy cố gắng hết sức để tránh xem nhẹ mối quan hệ của bạn với họ trong lúc cần phải đảm nhận trách nhiệm chăm sóc.


Bạn có thể làm những việc như cùng nhau ôn lại những kỷ niệm hoặc tiếp tục pha trò để củng cố sự kết nối và mang lại sự thoải mái trong những khoảng thời gian khó khăn. Tìm niềm vui trong những khoảnh khắc ở cùng nhau, dù là những khoảnh khắc ngắn hay dài.


3. Đặt ra ranh giới rõ ràng với gia đình và bạn bè để tránh những kỳ vọng không thực tế.

Khi là người chăm sóc chính, nhiều người không ở trong hoàn cảnh của bạn sẽ không hiểu được gánh nặng mà bạn phải gánh chịu. Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải nói ra khi bạn cần trợ giúp hoặc đặt ra giới hạn nào đó. Khi có thể, thay vì từ chối thẳng thừng các yêu cầu, hãy đề nghị người khác tham gia vào quá trình chăm sóc để chia sẻ trách nhiệm và giảm bớt căng thẳng.


Yêu cầu giúp đỡ

Bây giờ bạn đã trao đổi và nói chuyện một cách rõ ràng, đã nêu rõ những ranh giới, giới hạn và có danh sách nhiệm vụ ưu tiên. Để yêu cầu trợ giúp, bạn hãy thực hiện các nhiệm vụ bạn đã xác định có mức độ ưu tiên thấp hơn và/hoặc các nhiệm vụ mà bạn cảm thấy thoải mái khi uỷ thác, và bắt đầu liên lạc với bạn bè và gia đình để nhờ trợ giúp với những yêu cầu cụ thể.


Việc ngẫu nhiên đề cập với gia đình rằng bạn đang bị quá tải, việc đó có thể dễ dàng được cảm thông. Nhờ ai đó chở người thân của bạn đến bác sĩ mỗi tuần có thể sẽ giúp bạn được phần nào đấy.


Ngoài ra còn có rất nhiều nguồn lực khác bên ngoài gia đình bạn, họ có thể giúp đỡ bạn trong những trường hợp nhất định. Hãy đăng ký tài khoản CareNav miễn phí để bắt đầu tìm hiểu thêm bạn nhé.


Kết luận: Cảm giác tội lỗi của người chăm sóc và tìm kiếm sự cân bằng

Việc cảm thấy tội lỗi khi đang ở trong vai trò của một người chăm sóc là điều hết sức bình thường, cho dù điều đó là do căng thẳng hay kỳ vọng từ phía gia đình. Điều đó hoàn toàn bình thường, nhưng điều quan trọng là bạn phải tìm ra những cách tốt nhất để đối phó với những cảm giác này. Chăm sóc bản thân không phải là ích kỷ—điều đó là điều cần thiết để chăm sóc người thân của bạn được tốt hơn.

 

Trung tâm Nguồn lực Người chăm sóc California của Quận Cam luôn sẵn sàng hỗ trợ và hướng dẫn bạn thực hiện tốt điều đó. Hãy tham khảo thư viện tài nguyên của chúng tôi để giúp bạn có thể vượt qua trải nghiệm này. Cùng nhau, chúng ta có thể làm chủ công việc chăm sóc sức khỏe và giúp bạn cung cấp dịch vụ chăm sóc tốt nhất cho người thân của mình.


Đọc thêm: Tập thể dục phù hợp: Ưu tiên sức khỏe khi là người chăm sóc gia đình

Từ nỗi đau khi chứng kiến sự đấu tranh của người thân với bệnh tật, cho đến cảm giác căng thẳng cả về mặt thể chất lẫn tinh thần khi phải chăm sóc liên tục trong thời gian dài, và người chăm sóc gia đình phải đối mặt với nhiều tình huống phức tạp mỗi ngày. Do đó, việc ưu tiên sức khỏe của người chăm sóc có thể là điều khó khăn. Họ dễ dàng cảm thấy việc ưu tiên cho sức khoẻ của mình không quan trọng bằng những nhu cầu cấp bách của người thân đang cần sự giúp đỡ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu vì sao việc tập trung vào sức khỏe của bạn khi là người chăm sóc lại rất quan trọng, hiểu được cách bạn và người thân trong quá trình chăm sóc có thể được hưởng lợi từ việc ưu tiên tập thể dục hàng ngày, và cách đưa nó vào thói quen hàng ngày của bạn. Hãy click vào đây để đọc thêm về chủ đề này nhé.


Comments


bottom of page