Chăm sóc người thân bị giảm thính lực có thể cần phải vượt qua nhiều thách thức hơn, khiến công việc chăm sóc vốn đã khó khăn trở nên phức tạp hơn. Khi chúng ta già đi, bị giảm thính lực có thể là một quá trình tự nhiên, và nếu có biểu hiện suy giảm thính lực từ trước, quá trình này có thể trở nên rõ ràng hơn. Nếu tình trạng suy giảm thính lực của người thân bạn ngày càng trầm trọng hơn, có khả năng bạn sẽ phải thích nghi với thực tế này và cần phải học cách để cải thiện giao tiếp với họ.
Có nhiều cách có thể giúp cải thiện đời sống của người thân đang bị giảm thính lực, giúp cả hai dễ dàng tương tác và giao tiếp hơn. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích các cách cải thiện giao tiếp hiệu quả. Hãy cùng tìm hiểu nhé.
Cải thiện giao tiếp
Học cách giao tiếp với người bị mất/giảm thính lực có thể là một thử thách. Đó là một kỹ năng mới mà bạn có thể phải học (vì vậy hãy kiên nhẫn với bản thân nếu ban đầu mọi thứ chưa diễn ra như mong đợi). Việc này cần thời gian và sự kiên nhẫn để có hiệu quả. Học cách giao tiếp thành công với người bị mất thính lực có thể cải thiện đáng kể cuộc sống của họ và giúp xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn giữa hai bạn.
Trong phần này, chúng tôi sẽ chỉ ra các mẹo để giao tiếp tốt hơn với người đang gặp vấn đề về thính lực. Khi đọc qua các mẹo này, hãy nhớ rằng mỗi tình huống là khác nhau và một số mẹo có thể hiệu quả hơn những mẹo khác tùy thuộc vào hoàn cảnh của bạn. Hãy tự cho bản thân thời gian để thử nghiệm và điều chỉnh cho đến khi bạn tìm được phương pháp phù hợp nhất.
Với những điều đó trong tâm trí, dưới đây là một số mẹo để giao tiếp tốt hơn với người đang gặp phải vấn đề về thính lực:
Thu hút sự chú ý của họ
Trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện với người bị mất/giảm thính lực, điều quan trọng là bạn phải đảm bảo rằng họ đang chú ý đến bạn. Nếu không tập trung vào bạn, có thể họ sẽ nhầm lẫn về việc bạn đang nói chuyện với ai, hoặc bạn có thể cảm thấy khó chịu vì có vẻ như họ đang cố ý không lắng nghe.
Cách tốt nhất để thu hút sự chú ý của họ là đứng vào tầm nhìn của họ và ra hiệu rằng bạn muốn nói với họ. Bằng cách này, họ sẽ biết rằng bạn đang muốn trò chuyện, họ sẽ tập trung vào bạn và quan sát sự di chuyển của môi bạn.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng việc chạm vào người khác có thể khiến họ hoảng sợ hoặc giật mình nếu họ không biết bạn đang ở gần. Vì vậy, hãy tránh tiếp xúc cơ thể và cố gắng đứng vào tầm nhìn của họ trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện hoặc chạm vào họ.
Giao tiếp bằng ánh mắt
Sau khi đã thu hút được sự chú ý, hãy đảm bảo cuộc trò chuyện diễn ra trực diện. Điều này cho phép người nghe có thể nhìn thấy biểu cảm và môi của bạn. Điều đó giúp họ hiểu rõ ngữ cảnh, ý nghĩa hoặc tâm trạng của cuộc trò chuyện. Theo thời gian và với sự luyện tập, nhiều người có thể trở nên giỏi hơn trong việc đọc khẩu hình miệng để đoán những từ mà họ có thể chưa rõ.
Phát âm rõ ràng
Một cách khác để cải thiện giao tiếp là đảm bảo rằng bạn đang nói rõ ràng và chậm rãi. Những việc như nói quá to hoặc nói quá chậm thực sự có thể khiến người bị mất/giảm thính lực khó hiểu hơn.
Thay vào đó, hãy nói rõ ràng (có thể phóng đại nhẹ một số âm dễ bị nuốt để giữ chúng rõ ràng), trong khi cố gắng duy trì âm lượng ở mức bình thường. Điều quan trọng nữa là tránh không nhai, nói lắp hoặc che miệng khi đang trò chuyện.
Tiếng ồn xung quanh
Trước khi bắt đầu trò chuyện, hãy dành một chút thời gian để ý những tiếng ồn xung quanh. Nếu bạn đang ở nơi công cộng, có thể có những cuộc trò chuyện xung quanh hoặc tiếng trẻ em la hét, điều này khiến việc giao tiếp kém hiệu quả hơn.
Nếu bạn đang ở ngoài, hãy cố gắng tìm một góc yên tĩnh trước khi bắt đầu một cuộc trò chuyện dài hoặc tìm một nơi ít gây phân tâm hơn. Nếu bạn ở nhà, nên đảm bảo rằng tivi hoặc đài radio đã được tắt hoặc đã được giảm âm lượng trước khi bắt đầu nói chuyện. Hãy loại bỏ các tiếng ồn có thể gây mất tập trung trong cuộc trò chuyện nếu có thể.
Chọn đúng bên
Nếu người thân của bạn có một bên tai nghe tốt hơn bên còn lại, hãy lưu tâm điều này và nói chuyện chủ yếu về phía bên đó.
Điều này không chỉ áp dụng trong các cuộc trò chuyện mà còn có thể áp dụng trong các hoạt động giải trí. Bằng cách đặt loa hoặc radio ở phía tai nghe rõ hơn, bạn có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của họ, bằng cách giúp họ vẫn có thể giải trí như nghe nhạc hoặc xem phim.
Dành toàn bộ sự chú ý
Người bị mất/giảm thính lực có thể gặp khó khăn trong việc giao tiếp cũng như lắng nghe. Âm lượng, cách phát âm hoặc thời gian phản hồi của họ có thể thay đổi do bị giảm thính lực. Trong các cuộc trò chuyện, điều quan trọng là bạn cần dành toàn bộ sự chú ý và thỉnh thoảng dừng lại để người thân của bạn có cơ hội trả lời hoặc làm rõ điều họ muốn nói.
Đừng lặp đi lặp lại liên tục
Nếu ai đó bị mất/giảm thính lực, không hiểu được điều mà bạn đang muốn truyền đạt, điều quan trọng là đừng chỉ lặp đi lặp lại lời nói của bạn.
Có thể có những từ hoặc âm mà họ khó nghe hơn so với những từ và âm khác. Nếu việc lặp lại không hiệu quả, hãy thử diễn đạt lại điều bạn đang muốn nói. Theo thời gian, bạn sẽ học được các âm hoặc từ nên tránh, cũng như những từ và âm mà họ dễ nghe hơn. Vì vậy, thay vì chỉ lặp lại, hãy thử diễn đạt lại. Một lựa chọn khác là viết ra nếu việc giao tiếp trở nên kém hiệu quả.
Tăng cường khả năng nghe
Bên cạnh việc thực hiện những điều chỉnh đơn giản trong cuộc trò chuyện, có nhiều công cụ giúp cải thiện cả khả năng nghe và giao tiếp, giúp công việc của bạn trở nên dễ dàng hơn. Hãy cùng tìm hiểu một số giải pháp sau đây:
Công cụ giao tiếp
Có rất nhiều công cụ được thiết kế để hỗ trợ những người bị mất/giảm thính lực.
Ví dụ, bạn có thể sử dụng phụ đề trong khi xem tivi và phim. Đây là một cách tuyệt vời để giúp người thân của bạn vẫn có thể trải nghiệm các hoạt động giải trí.
Ghi chú và lời nhắc cũng là những công cụ giao tiếp hữu ích mà không yêu cầu khả năng nghe.
Chúng tôi cũng khuyến khích bạn sử dụng một cuốn lịch ghi lại các ngày quan trọng, các cuộc hẹn và giờ uống thuốc để người thân của bạn có thể dễ dàng kiểm tra và nhắc nhở bản thân về những việc cần làm mà không cần phải cố gắng giao tiếp trong một cuộc trò chuyện khó khăn.
Cuối cùng, bạn và người thân có thể cân nhắc việc học Ngôn ngữ Ký hiệu Mỹ (ASL). Chỉ cần học một vài từ/cụm từ cơ bản hoặc biết đánh vần từ bằng bảng chữ cái ASL cũng có thể cải thiện giao tiếp khi thính lực bị suy giảm.
Máy trợ thính và thiết bị hỗ trợ
Mặc dù bạn có thể gặp sự phản đối, nhưng máy trợ thính là một công cụ tuyệt vời để khuyến khích người thân của bạn sử dụng. Máy trợ thính là cách dễ dàng để giúp người bạn đang chăm sóc hiểu được đầy đủ các cuộc trò chuyện và tham gia vào các hoạt động giải trí.
Lời kết: Chăm sóc người thân bị mất/giảm thính lực
Khi chăm sóc người thân bị mất/giảm thính lực, việc thích nghi với tình trạng của họ chắc hẳn sẽ đầy thách thức hơn. Nhưng theo thời gian, các bạn có thể cùng nhau thích nghi với các cách giao tiếp mới, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống của người thân mà bạn chăm sóc.
Trung tâm Tài nguyên Người chăm sóc California của Quận Cam luôn sẵn sàng hỗ trợ và hướng dẫn bạn vượt qua giai đoạn này. Hãy tham khảo thư viện tài liệu của chúng tôi để giúp bạn tìm hiểu và làm chủ quá trình chăm sóc. Cùng nhau, chúng ta có thể vượt qua những thách thức trong vấn đề chăm sóc sức khoẻ và giúp bạn chăm sóc người thân của mình một cách tốt nhất.
Đọc thêm: Tập thể dục phù hợp: Ưu tiên sức khỏe khi là người chăm sóc gia đình
Người chăm sóc gia đình dễ dàng cảm thấy việc ưu tiên cho sức khoẻ của mình không quan trọng bằng những nhu cầu cấp bách của người thân đang cần sự giúp đỡ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu vì sao việc tập trung vào sức khỏe của bạn khi là người chăm sóc lại rất quan trọng, hiểu được cách bạn và người thân trong quá trình chăm sóc có thể được hưởng lợi từ việc ưu tiên tập thể dục hàng ngày, và cách đưa nó vào thói quen hàng ngày của bạn.
Comments