Việc chăm sóc cho người thân vừa trải qua đột quỵ có thể rất khó khăn cả về thể chất lẫn tinh thần. Đây sẽ là một trải nghiệm đầy lo sợ nếu bạn chưa trang bị cho mình kiến thức hoặc kinh nghiệm để xử lý. Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần phải biết các bước cần thực hiện sau khi người thân bị đột quỵ, và cách tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải thích rõ đột quỵ là gì, các dấu hiệu của đột quỵ, và cách chăm sóc cho người vừa bị đột quỵ và những di chứng kéo dài mà bạn có thể thấy ở người thân của mình. Hãy cùng tìm hiểu nhé.
Dấu hiệu của đột quỵ
Trước khi đi sâu tìm hiểu cách chăm sóc người bị đột quỵ, hãy cùng tìm hiểu đột quỵ là gì và các dấu hiệu có thể gặp khi ai đó bị đột quỵ.
Theo Mayo Clinic, "Đột quỵ thiếu máu cục bộ xảy ra khi lưu lượng máu đến một phần của não bị tắc hoặc giảm. Điều này sẽ ngăn các mô não nhận oxy và dưỡng chất. Sau đó, các tế bào não bắt đầu chết đi chỉ sau vài phút.
Một loại đột quỵ khác là đột quỵ xuất huyết. Nó xảy ra khi một mạch máu trong não bị rò rỉ hoặc vỡ, gây ra xuất huyết não. Máu làm tăng áp lực lên các tế bào não và gây tổn thương chúng."
Dù người thân của bạn bị loại đột quỵ nào, điều quan trọng là bạn cần biết các dấu hiệu để có thể hành động nhanh chóng và kịp thời. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy người thân của bạn có thể đang bị đột quỵ:
Khó nhìn ở một hoặc cả hai mắt.
Mất cảm giác ở tay, mặt hoặc chân. Có thể là tình trạng liệt, tê bì, hoặc yếu đi.
Giảm nhận thức hoặc khó nói.
Không thể đi lại.
Đau đầu dữ dội xuất hiện đột ngột, có thể dẫn đến chóng mặt, nôn mửa, hoặc mất ý thức.
Một thuật ngữ thường được sử dụng để nhận biết các dấu hiệu của đột quỵ là B.E.F.A.S.T. Bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây: Dấu Hiệu/Triệu Chứng | BE FAST đối với Đột Quỵ.
Lưu ý: Đột quỵ là tình trạng cấp cứu y tế. Nếu bạn cảm thấy người thân của mình có bất kỳ dấu hiệu nào ở trên, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.
Bây giờ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu cách chăm sóc người bệnh sau khi họ bị đột quỵ.
Hiểu thêm về đột quỵ
Khi bạn là người chăm sóc, điều đầu tiên bạn nên làm là tìm hiểu thêm về tình trạng đột quỵ của người bệnh: nguyên nhân, lý do người thân của bạn bị đột quỵ và cách hỗ trợ họ cần.
Dưới đây là một số câu hỏi mà bạn có thể hỏi để hiểu thêm về tình trạng đột quỵ của bệnh nhân:
Nguyên nhân gây ra đột quỵ là gì?
Đó là loại đột quỵ nào?
Phần nào của não bị ảnh hưởng?
Có cách nào để ngăn ngừa các cơn đột quỵ trong tương lai không?
Điều này có để lại di chứng lâu dài không?
Chúng ta cần phải chuẩn bị gì cho quá trình phục hồi chức năng?
Xây dựng mạng lưới hỗ trợ
Hãy dành chút thời gian để hỏi ý kiến bạn bè và người thân khác để được hỗ trợ. Xây dựng một mạng lưới hỗ trợ không chỉ cho người thân của bạn mà còn cho chính bạn.
Nếu có thể, bạn nên:
Liên hệ với gia đình và bạn bè để nhờ sự hỗ trợ và nhận những lời khuyên hữu ích.
Tạo nhóm có thể giúp đỡ bạn trong các việc như đưa người bệnh đi khám bác sĩ, lấy thuốc, nấu ăn và dọn dẹp.
Hoặc cân nhắc tìm kiếm sự trợ giúp từ các tổ chức cộng đồng (như nhà thờ hoặc các tổ chức từ thiện) nếu gia đình và bạn bè không ở gần. Có rất nhiều nhóm hỗ trợ dành cho cả người chăm sóc và người bị ảnh hưởng bởi đột quỵ, họ có thể đưa ra những lời khuyên, hướng dẫn hiệu quả..
Dành thời gian cho bản thân
Chứng kiến người thân bị đột quỵ có thể là một trải nghiệm đau đớn và áp lực. Tuy nhiên, cho dù phải đối mặt với tình huống mới, điều quan trọng là bạn không được để các khía cạnh khác trong cuộc sống của bạn bị đảo lộn.
Hãy chắc chắn rằng bạn vẫn tiếp tục làm những việc mình yêu thích, tập thể dục và ăn uống cân bằng. Việc duy trì sức khỏe tinh thần và thể chất của bản thân sẽ giúp bạn chăm sóc người thân tốt hơn. Nếu bạn cảm thấy quá tải hoặc kiệt sức, hãy nhờ đến mạng lưới hỗ trợ của mình, hoặc lựa chọn dịch vụ chăm sóc tạm thời để cho phép bạn dành thời gian và không gian để phục hồi.
Chăm sóc sau đột quỵ
Sau đột quỵ, việc phục hồi chức năng là điều quan trọng để đảm bảo chất lượng cuộc sống lâu dài. Năm đầu tiên sau đột quỵ là thời điểm quan trọng nhất.
Theo stroke.org, "Phần lớn sự phục hồi thường diễn ra trong năm đầu tiên sau đột quỵ, mặc dù quá trình này có thể tiếp tục diễn ra trong nhiều năm - đặc biệt nếu người bệnh tiếp tục cố gắng để cải thiện các kỹ năng họ muốn phục hồi".
Là người chăm sóc, bạn có thể sẽ phải đóng vai trò người đại diện cho người thân của mình để đảm bảo họ nhận được sự quan tâm cần thiết trong quá trình phục hồi. Hãy trao đổi với đội ngũ y tế của người thân để biết các bước phù hợp cho loại đột quỵ mà họ gặp phải. Bên cạnh các bài tập cơ bản, bạn cũng có thể cân nhắc các dịch vụ phục hồi chức năng khác nhau như:
Vật lý trị liệu
Ngôn ngữ trị liệu/Thính giác trị liệu
Chuyên gia dinh dưỡng
Viện dưỡng lão
Tư vấn tâm lý / công tác xã hội
Mục sư
Trị liệu nghề nghiệp
Đây chỉ là một số dịch vụ có thể phù hợp với người thân của bạn. Hãy tiếp tục trao đổi với các chuyên gia y tế nếu bạn cần thêm sự hỗ trợ.
Chuẩn bị trong trường hợp cần thiết trong tương lai
Thật không may, người đã từng bị đột quỵ có nguy cơ cao tái phát cơn đột quỵ khác. Là người chăm sóc, điều quan trọng là bạn cần chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp tình huống này xảy ra. Vì vậy, chúng tôi khuyên bạn nên chuẩn bị sẵn một bộ sơ cứu khẩn cấp phòng trường hợp cần thiết. Trong bộ dụng cụ khẩn cấp này, bạn nên bao gồm:
Danh sách liên hệ: bao gồm tất cả các bác sĩ, nhân viên y tế, người thân, và bạn bè mà bạn có thể cần liên hệ.
Thuốc: Lập danh sách tất cả các loại thuốc mà người thân của bạn đang sử dụng (bao gồm cả các loại bổ sung không kê đơn). Hãy ghi chú cả loại thuốc và liều lượng để bạn có thể chuẩn bị khi cần mua thêm hoặc so sánh tính tương thích với các toa thuốc mới.
Thẻ bảo hiểm
Ảnh hưởng của đột quỵ
Hiểu rõ những tác động mà đột quỵ có thể gây ra cho người thân sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt hơn trong khi chăm sóc họ. Mặc dù các tác động phụ của đột quỵ có thể khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố (như mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ, tình trạng sức khỏe của người thân, v.v.), dưới đây là một số ảnh hưởng về thể chất và tinh thần mà người thân của bạn có thể gặp phải:
Thể chất
Đau không rõ nguyên nhân
Nhạy cảm với nóng và lạnh
Nhạy cảm với ánh sáng
Khó nuốt
Mệt mỏi
Các vấn đề về thị lực
Đau vai
Chứng ngón chân búa
Co giật
Căng cơ
Kiệt sức
Tinh thần
Mất trí nhớ
Trầm cảm
Lo âu
Khóc hoặc cười không kiểm soát
Sa sút trí tuệ
Lời kết: Chăm sóc người bị đột quỵ
Chăm sóc người thân bị đột quỵ có thể là một trải nghiệm đầy lo sợ – mức độ nghiêm trọng, thời gian kéo dài của các triệu chứng, cùng với nguy cơ tái phát, và sự không chắc chắn về những hậu quả ngay sau đó có thể khiến bạn cảm thấy bị áp lực về mặt cảm xúc.
Thật may mắn, Trung tâm Tài nguyên Người chăm sóc California của Quận Cam luôn sẵn sàng hỗ trợ và hướng dẫn bạn vượt qua giai đoạn này. Hãy tham khảo thư viện tài liệu của chúng tôi để giúp bạn tìm hiểu và làm chủ quá trình chăm sóc. Cùng nhau, chúng ta có thể vượt qua những thách thức trong vấn đề chăm sóc sức khoẻ và giúp bạn chăm sóc người thân của mình một cách tốt nhất.
Đọc thêm: Điều hướng cảm xúc bất mãn, bức xúc khi là người chăm sóc
Cảm xúc bực tức, bất mãn của người chăm sóc là một thách thức tâm lý phổ biến mà người chăm sóc gia đình thường phải đối mặt, thường xuyên hơn những gì họ có thể thừa nhận (vì vậy bạn không cô đơn khi cảm thấy như vậy). Cảm xúc bất mãn, bức xúc của bạn là hoàn toàn tự nhiên, nhưng không nhất thiết phải xuất hiện trong quá trình chăm sóc của mình. Cuối cùng, việc tìm thấy sự cân bằng và hỗ trợ là chìa khóa để có được một hành trình chăm sóc bền vững và trọn vẹn.
Vì vậy, hãy cùng thảo luận về chủ đề này nhé: tìm hiểu thêm ở đây.
תגובות