top of page

4 Mẹo Chăm Sóc Người Thân Bị Mất Thị Lực

Hơn 50 triệu người trưởng thành trên 18 tuổi đã phải trải qua một số hình thức mất thị lực (nguồn). Một số người gặp phải tình trạng này nặng hơn hoặc đột ngột hơn những người khác. Là một người chăm sóc gia đình, bạn có thể phải chịu trách nhiệm chăm sóc người thân đang trải qua một dạng suy giảm thị lực nghiêm trọng. Mất thị lực gây khó khăn trong cuộc sống cả về mặt thể chất và tinh thần, và đặc biệt phức tạp để xử lý khi bạn là người chăm sóc chịu trách nhiệm về sức khỏe của họ. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đưa ra các mẹo chăm sóc người thân bị mất thị lực - 4 điều bạn có thể làm ngay hôm nay để giúp mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.


Dấu Hiệu Và Triệu Chứng Mất Thị Lực

Một số nguyên nhân gây mất thị lực khó phát hiện hơn những nguyên nhân khác. Hiểu được nguyên nhân cụ thể của người thân có thể giúp bạn chăm sóc họ dễ dàng hơn. Có những tình trạng liên quan đến tuổi tác như thoái hóa điểm vàng, và các nguyên nhân phổ biến khác như đục thủy tinh thể, bệnh võng mạc do đái tháo đường và bệnh tăng nhãn áp.


Nếu bạn nghi ngờ người thân đang gặp phải tình trạng suy giảm thị lực, đây là một số dấu hiệu và triệu chứng cần lưu ý:


  • Nheo mắt thường xuyên hơn hoặc khó thích nghi với ánh sáng thay đổi

  • Có vết bầm tím hoặc trầy xước không rõ nguyên nhân

  • Vết lõm và vết trầy xước mới trên xe của họ

  • Phàn nàn về việc nhìn mờ

  • Khó khăn khi đọc

  • Giảm thị lực ngoại biên


4 Cách Hỗ Trợ Người Thân Mất Thị Lực

Khi bạn chăm sóc người thân bị mất thị lực, bạn có thể tự hỏi mình có thể làm gì để giúp đỡ họ. Ngoài việc cung cấp một không gian an toàn để giao tiếp và thảo luận về quá trình điều trị với đội ngũ y tế, có một số việc bạn có thể làm để giúp cuộc sống của người thân trở nên dễ dàng hơn và thoải mái hơn trong quá trình này. Hãy cùng tìm hiểu những việc này dưới đây.


Điều Chỉnh Không Gian Sống

Một số điều chỉnh đơn giản trong ngôi nhà có thể giúp cho cuộc sống của người thân bị giảm thị lực trở nên dễ dàng hơn. Hãy xem xét những điều sau đây về tính an toàn, khả năng nhận biết và tiếp cận như:


  • Nhãn dán màu sắc

  • Các vật dụng có kết cấu khác nhau để giúp nhận biết (ví dụ như nhãn dán có lông và nhãn dán da)

  • Cải thiện hoặc bổ sung ánh sáng ở các góc tối hoặc phòng thiếu sáng (đừng quên chiếu sáng cầu thang, tủ kệ và tủ quần áo)

  • Sắp xếp gọn gàng và có tổ chức để giữ không gian được ngăn nắp hơn

  • Loại bỏ các vật cản gây vấp ngã (như dây điện và thảm)


Lập Kế Hoạch Trong Tình Huống Khẩn Cấp

Chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp không hề dễ dàng như bạn nghĩ, nhưng trong một gia đình có người bị giảm thị lực, cần có những biện pháp phòng ngừa để đảm bảo an toàn cho họ. Để chuẩn bị kế hoạch đó, bạn hãy cân nhắc:


  • Tạo một không gian an toàn. Để dễ dàng lấy những thứ cần thiết trong trường hợp khẩn cấp, tốt nhất là nên có một khu vực dành riêng để chứa đồ lưu niệm, tài liệu quan trọng, thông tin liên lạc, thông tin đơn thuốc và bất kỳ thiết bị cần thiết nào. Bằng cách này, người thân của bạn có thể sơ tán nhanh chóng và an toàn trong trường hợp động đất, hoả hoạn hoặc mất điện.

  • Lập kế hoạch nhờ sự hỗ trợ từ hàng xóm. Người thân của bạn có thể không thể lái xe, sơ tán hoặc liên lạc với dịch vụ khẩn cấp để được giúp đỡ khi cần thiết. Liệu bạn có ai đó gần nhà có thể dừng lại và kiểm tra giúp trong trường hợp khẩn cấp không?


Tìm Kiếm Dịch Vụ Hỗ Trợ

Có rất nhiều tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các gia đình trong tình huống giống như của bạn. Để bắt đầu, bạn có thể tạo một tài khoản CareNav để truy cập các thông tin, nguồn lực tùy chỉnh miễn phí. Ngoài ra còn có các nhóm hỗ trợ, nhóm Facebook, chương trình tiếp cận cộng đồng,... - tất cả đều sẵn sàng giúp bạn và người thân của bạn vượt qua hoàn cảnh mới đầy thách thức này.


Giúp Người Thân Duy Trì Các Hoạt Động Và Theo Đuổi Sở Thích

Tác động tinh thần của việc mất thị lực có thể ngang bằng hoặc lớn hơn tác động thể chất mà họ sẽ cảm nhận được. Để duy trì lòng tự tôn và sự tự tin, điều quan trọng là cần giúp họ tiếp tục theo đuổi đam mê và sở thích hiện tại, hoặc khám phá những sở thích mới. 


Các sở thích và các hoạt động có thể là điểm tựa cho các mục tiêu, điểm tựa cho việc học hỏi và là cách tốt nhất để vượt qua hoàn cảnh mới này.


Lời Kết: Chăm Sóc Người Thân Bị Mất Thị Lực

Mất thị lực là điều đáng sợ và tạo ra những áp lực lớn, cả đối với bạn và người được chăm sóc. Thực hiện một số biện pháp phòng ngừa đơn giản như chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp, sắp xếp và điều chỉnh không gian sống, hoặc giúp người thân theo đuổi sở thích sẽ giúp mọi việc trở nên dễ dàng và thoải mái hơn một chút.


Trung tâm Tài nguyên Người Chăm Sóc Quận Cam luôn sẵn sàng hỗ trợ và hướng dẫn bạn theo mọi cách có thể. Hãy khám phá thư viện tài nguyên của chúng tôi để giúp bạn điều hướng trải nghiệm này. Cùng nhau, chúng ta có thể làm chủ công việc chăm sóc sức khỏe, và giúp bạn cung cấp dịch vụ chăm sóc tốt nhất cho người thân của mình.


Đọc thêm: Cảm Giác Tội Lỗi Của Người Chăm Sóc - Cân Bằng Kỳ Vọng Của Gia Đình Về Việc Chăm Sóc và Yêu Cầu Giúp Đỡ

Khi người thân của chúng ta già đi hoặc bệnh tình của họ tiến triển theo chiều hướng xấu đi, việc chăm sóc họ có thể đồng nghĩa với việc chịu đựng sự căng thẳng và gánh vác các trách nhiệm ngày càng tăng. Những yêu cầu này có thể dễ dàng vượt quá khả năng của bạn, nhưng bạn có thể cảm thấy bị kỳ vọng phải tiếp tục công việc đó.


Khi nào nên nói không? Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến những động lực gia đình và những kỳ vọng liên quan đến việc chăm sóc của bạn, và giúp bạn hiểu khi nào là thời điểm thích hợp để nhờ sự giúp đỡ. 


Hãy click vào đây để tìm hiểu thêm về việc cân bằng kỳ vọng của bạn, gia đình, văn hóa hoặc xã hội nói chung về vai trò của bạn khi là người chăm sóc gia đình.



Comments


Commenting has been turned off.
bottom of page